Nguồn: http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/vai-tro-cua-cong-nghe-dot-pha-doi-voi-giao-duc-nghe-nghiep.html1. Công nghệ đột phá trong kỷ nguyên số

Trong nhiều nghiên cứu cho thấy, ước tính khoảng 15 năm tới, trên thế giới 14% lực lượng lao động có nguy cơ cao bị tự động hóa thay thế và 30% khác phải đối mặt với những thay đổi về kỹ năng được sử dụng trong cách đào tạo lực lượng lao động. Nhiều quốc gia trên toàn thế giới đang phải vật lộn với việc không có khả năng tạo ra những người lao động trẻ tuổi hay tạo ra tầng lớp lao động có kỹ năng làm việc và kỹ năng sống đủ cao để đối mặt với công nghệ đột phá. Điều này ảnh hưởng đến những thay đổi trong công việc và việc làm

Theo tác giả Bower & Christensen, trong nghiên cứu “Công nghệ đột phá: bắt sóng” cho rằng một số công nghệ mới có thể phá hủy hoặc thay đổi thứ tự thống trị thị trường hiện có hoặc thậm chí tạo ra các thị trường mới. Tác giả Clayton và cộng sự cho rằng mô hình phát triển công nghệ, công nghệ duy trì (Sustaining Technology) là một cải tiến dần dần và hình thức công nghệ đột phá - một cơn bão mới, ban đầu có thể không đầy đủ nhưng có thể cải thiện nhanh chóng và hiệu quả vượt ra ngoài công nghệ chính thống. Tại diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016, các nhà dự báo công nghệ đã xác định được một nhóm công nghệ đột phá, trí tuệ nhân tạo (AI), in 3D, vật liệu tiên tiến và công nghệ nano…đã ngày càng mở rộng và ảnh hưởng lẫn nhau, tác động đến các yếu tố kinh tế xã hội, chính trị, địa lý, giáo dục và dân số…

Công nghệ đột phá đề cập đến những đổi mới hoặc công nghệ được sử dụng để tạo ra thị trường và các sản phẩm có giá trị áp dụng công nghệ và có ảnh hưởng rất quan trọng đến thị trường của các sản phẩm hiện có và có khả năng khiến các doanh nghiệp sử dụng công nghệ truyền thống bị đánh sập hoặc đóng cửa. Những đổi mới của công nghệ đột phá không giống như những đổi mới thông thường mà cho mục đích nâng cao hiệu quả. Trong báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey đã xác định 12 công nghệ sẽ ảnh hưởng đến sự thay đổi toàn cầu gồm:

(1). Internet di động là một công cụ sử dụng công nghệ Internet để kết nối với thế giới, chẳng hạn như ngân hàng di động, cho các giao dịch tài chính qua Internet.

(2). Tự động hóa công việc tri thức là một công nghệ hoặc phần mềm thông minh được sử dụng để chẩn đoán bệnh nhằm đạt được độ chính xác hoặc phân tích pháp lý.

(3). Internet vạn vật, cấy các phần tử nhỏ nhất vào hầu hết các cảm biến thu nhỏ để truyền thông tin liên lạc, có thể được sử dụng như nhận ra chất lượng đất từ các cảm biến rắc trong đất, để biết loại cây trồng nào nên được trồng với năng suất tốt nhất.

(4). Điện toán đám mây là một công nghệ và phần mềm lưu trữ dữ liệu cho phép các doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn mà không cần đầu tư vào máy tính cao.

(5). Công nghệ robot tiên tiến được sử dụng trong phẫu thuật để giảm thiểu tác động của bệnh nhân và kết quả phẫu thuật chính xác.


(6). Xe tự hành là công nghệ được sử dụng để thay thế thăm dò trong nông nghiệp hoặc lâm nghiệp, cũng như về mặt quân sự.


(7). Công nghệ cải tiến phát triển gen (Genomics) để điều trị bệnh.


(8). Pin nhiên liệu để sử dụng trong xe điện và xe hybrid.


(9). Công nghệ in 3D là một hệ thống in 3D giúp giảm chi phí sản xuất hàng hóa, được sử dụng trong các ứng dụng nha khoa và y tế.


(10). Công nghệ vật liệu tiên tiến, sản xuất các vật liệu mới như vật liệu tự làm sạch - siêu mạnh và nhẹ.


(11). Công nghệ thăm dò và phục hồi dầu khí trong khai thác dầu khí để có thể làm cho dầu và khí đốt nhiều hơn.


(12). Công nghệ điện tái tạo, là công nghệ tạo ra điện từ các nguồn không bao giờ kết thúc, chẳng hạn như ánh sáng mặt trời, gió, sóng, suối nước nóng.


Dựa trên các công nghệ ảnh hưởng đến sự thay đổi toàn cầu nêu trên, tác giả Christensen & Raynor đã phân loại những công nghệ này thành hai loại: Một là, công nghệ duy trì, đây là loại công nghệ tập trung vào việc nâng cao hiệu quả của các sản phẩm trong các hệ thống cơ khí truyền thống. Hai là, loại công nghệ khác được gọi là công nghệ đột phá, với mục đích để phát triển các sản phẩm/dịch vụ mới và chi phí thấp hơn. Như vậy, công nghệ đột phá có thể hoặc không thể là công nghệ mới nhất, tuy nhiên, do có những thay đổi trong các yếu tố thị trường cụ thể, chẳng hạn như chất lượng, hiệu quả quy trình sản xuất, chi phí hoặc giá cả, đã làm cho các công nghệ này trở thành điều kiện phù hợp mong muốn và dần trở nên phổ biến với thị trường trong bối cảnh hiện nay.



2. Tác động của công nghệ đột phá đến giáo dục nghề nghiệp

Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh với nhiều đột phá mới, các mô hình quản lý giáo dục và đào tạo theo đó cũng được nghiên cứu phát triển để mang lại lợi ích, động lực thúc đẩy quản lý giáo dục nghề nghiệp phát triển từ các mô hình dạy và học. Công nghệ đột phá là thuật ngữ mô tả những thay đổi quy mô lớn xảy ra từ công nghệ hiện đại của robot và tự động hóa và sẽ tác động ngay lập tức và nghiêm trọng đến giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng làm việc, một phần quan trọng của quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Giáo dục nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong thế kỷ 21, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò trên toàn thế giới với những ghi nhận trong việc đào tạo lực lượng lao động và chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề cao tham gia vào việc tạo ra giá trị công việc, năng suất, chất lượng, hiệu quả. Với mục đích nâng cao kiến thức, phát triển kỹ năng cần thiết giúp người học vững bước vào nghề được đào tạo và mở ra cơ hội thăng tiến giúp con người phát huy hết tiềm năng của họ. Cùng với việc trao quyền cho con người để phát triển bền vững, cung cấp giáo dục thường xuyên, quản lý học tập mở, linh hoạt dựa trên các kỹ năng cốt lõi, cần thiết cho người học, người lao động có trình độ chuyên môn phù hợp với những thay đổi liên tục của cuộc sống, giáo dục nghề nghiệp ngày càng được ưu tiên trong các chương trình nghị sự quốc gia của nhiều nước trên thế giới để có thể so sánh với các lĩnh vực chuyên môn khác.


Để tạo ra được những đột phá về công nghệ trong giáo dục nghề nghiệp yêu cầu đầu vào của giáo dục nghề nghiệp phải thích ứng bằng công nghệ kỹ thuật số hàng đầu như máy tính, công nghệ cộng tác, công nghệ thực tế mở rộng, trí tuệ nhân tạo, và một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian (công nghệ Blockchain)…và được tích hợp với phương pháp tổ chức dạy và học dựa trên học sinh, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận giáo dục và học hỏi suốt đời. Một trong những phương pháp được sử dụng để phân tích quản lý giáo dục nghề nghiệp trong thế kỷ 21 là lý thuyết hệ thống, một phương pháp phân tích tập trung vào hệ thống quản lý ở tất cả các giai đoạn, trong đó chú ý đến quy trình đầu vào và đầu ra.


Quy trình đột phá công nghệ giáo dục nghề nghiệp ở đầu vào bao gồm 04 hoạt động: (1) Quản trị; (2) Giảng dạy với mục tiêu lấy người hướng dẫn làm trung tâm, huấn luyện, tư vấn, nâng cao kiến thức, xây dựng nhà tư duy; tạo ý tưởng tự học, tự ­tin, hoạt động, nhấn mạnh vào cách suy nghĩ, cộng tác giữa người dạy với người học; (3) Thực tập, kết hợp, hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; (4) Kỹ năng hướng dẫn, sáng tạo phát triển tài nguyên giáo dục mở trên cơ sở áp dụng công nghệ kỹ thuật số.


Quy trình đột phá công nghệ giáo dục nghề nghiệp ở đầu ra/đánh giá kết quả của người học dựa trên 02 kỹ năng bao gồm: (1) Kỹ năng tích hợp công nghệ; (2) Kỹ năng mềm: kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng 4C (là nhóm kỹ năng quan trọng nhất của người học trong thế kỷ 21 do Diễn đàn kinh tế thế giới và các Tổ chức quốc tế đưa ra, bao gồm: kỹ năng giao tiếp - Communication; Kỹ năng sáng tạo - Creativity;  và kỹ năng hợp tác - Collaboration.



3. Ứng dụng những công nghệ đột phá để phát triển giáo dục nghề nghiệp


Việc phát triển các kỹ năng hiện có (Reskill) để nâng cao các kỹ năng mới (Upskill) bằng cách sử dụng công nghệ cho phép người học tự học, nâng cao hiệu suất của chương trình giảng dạy, đảm bảo kiến thức chuyên môn, kỹ năng của từng lĩnh vực được chuyển giao cho người học thông qua việc thúc đẩy sử dụng đổi mới công nghệ trong quá trình dạy và học. Dựa trên phân tích tài liệu, người ta kết luận rằng trong thời đại công nghệ đột phá, chuyển đổi kỹ thuật số đã dẫn đến những thay đổi về kỹ năng cần thiết cho công việc và cuộc sống. Vì vậy, giáo dục nghề nghiệp phải tận dụng tối đa sự hội nhập, kết hợp các công nghệ mới “Công nghệ kỹ thuật số” vào giảng dạy và thi cử để trang bị cho người học thích ứng công việc hiện nay và tương lai trong thời đại công nghệ đột phá. Dự báo cho thấy, trong thế kỷ 21, các kỹ năng cốt lõi hiện tồn tại sẽ dần bị mất vì chúng không còn có thể được sử dụng. Thêm vào đó là những kỹ năng mới, những việc làm mới đòi hỏi các kỹ năng khác nhau so với những kỹ năng hiện có.


Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đặt ra đối với giáo dục nghề nghiệp yêu cầu phải trang bị cho sinh viên tốt nghiệp những kỹ năng để họ có thể đối mặt với những mô hình việc làm thay đổi nhanh chóng so những gì họ được học ở nhà trường có thể đã lỗi thời, các rào cản trong chương trình giảng dạy để đào tạo ra một lực lượng lao động phù hợp với thị trường lao động trong kỷ nguyên công nghệ còn hạn chế. Hiện vẫn có một số chương trình đào tạo chưa phát triển, không giúp người học theo kịp với các đặc điểm, kỹ năng mà thị trường lao động cần. Các khóa học thiết kế thiếu linh hoạt, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các khóa học tập chưa khuyến khích được người học tự học tập suốt đời. Nhận thức của người học tham gia các khóa học còn hạn chế không theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp hoặc nhu cầu trong tương lai. Đội ngũ giảng viên, hướng dẫn chưa trú trọng phát triển bản thân để có các kỹ năng theo kịp thời đại công nghệ đột phá thay đổi nhanh chóng mà thị trường lao động cần. Phát triển công nghệ mới trong đào tạo và quản lý còn chưa được quan tâm đầu tư trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Sự hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ giữa nhà trường, doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động và các bên có liên quan để phát triển hệ thống song phương, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với phát triển kinh tế-xã hội, thị trường lao động chưa thực sự hiệu quả, nâng cao chất lượng. Việc chuyển đổi số trong kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh để tìm giải pháp hữu hiệu, không ngừng cải tiến, nâng cao trách nhiệm giải trình, tự chủ giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ đột phá.


Với mục tiêu bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế số, phát huy mạnh mẽ giá trị con người và sức sáng tạo của mỗi cá nhân góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới cần tập trung Phát triển con người Việt Nam 4.0” với các kỹ năng công nghệ, kỹ năng mềm được đề cập trong nghiên cứu này theo chúng tôi là yếu tố quan trọng nhất trong việc đưa đất nước từ bẫy thu nhập trung bình đến có thu nhập cao.


Việc phát triển giáo dục nghề nghiệp ứng dụng công nghệ đột phá là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển giáo dục nghề nghiệp phải bám sát vào thị trường lao động, gắn kết với việc làm, an sinh xã hội và phát triển bền vững; phát huy tối đa phẩm chất, năng lực của người học, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong giáo dục và đào tạo cho phát triển triển con người Việt Nam 4.0 ngày càng có vị trí quan trọng để chuẩn bị nguồn nhân lực tham gia vào việc tạo ra các giá trị công việc và các nguồn quan trọng của sức lao động và lực lượng lao động lành nghề với các kỹ năng quan trọng trong thế kỷ 21


Ts. Mai Văn Tỉnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu-chuyển giao khoa học công nghệ

(CETSTR) thuộc Hiệp hội các ĐH&CĐ Việt Nam;

Ts. Lê Thị Mai Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề,

Ban Tuyên giáo Trung ương;



Tài liệu tham khảo

1.Bower, J.L., & Christensen, C.M. (1995). Disruptive technologies: Catching the wave.

2. Chang, J.H., Rynhart, G., & Phu, H. (2016). ASEAN in transformation: How technology is changing jobs and enterprises.

3. Christensen, C.M., & Raynor, M. E. (2003) . The Innovator’s Solution: Creating and Sustaining Successful Growth.

3. Harvard Business School Press: Boston, MA.

4. Clayton, B., Jonas, P., Harding, R., Harris, M., & Toze, M. (2013). Industry currency and professional obsolescence: what can industry tell us?.

5. Hynes, N., & Elwell, A.D. (2016). The role of inter-organizational networks in enabling or delaying disruptive innovation: a case study of mVoIP. Journal of Business & Industrial Marketing.

6. Manyika, J., Chui, M., Bughin, J., Dobbs, R., Bisson, P., & Marrs, A. (2013). Disruptive technologies: Advances that will transform life, business, and the global economy (Vol. 180, pp. 17-21). San Francisco, CA: McKinsey Global Institute.

7. Oviawe, J.I., Uwameiye, R., & Uddin, P.S. (2017). Bridging skill gap to meet technical, vocational education and training school-workplace collaboration in the 21st century. International Journal of Vocational Education and Training Research3(1), 7-14.

8. Reeve, E.M. (2016). 21st century skills needed by students in technical and vocational education and training

(TVET). Asian International Journal of Social Sciences, 16(4), 65-82.

9. World Economic Forum. (2016). The future of jobs, World Economic Forum.

10. Academy of Strategic Management Journal, Volume 21, Issue 2, 2022.

11. Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

12. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.







Chuyên mục:

Chuyên mục:

Chuyên mục:

    Trước những thách thức trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam cần có những kiến thức và kỹ năng gì để đáp ứng nhu cầu trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4? LTS: Giáo sư Nguyễn Xuân Thu từ Úc gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết mới của thầy về vai trò của giáo dục Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0). Tòa soạn trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết này và cảm ơn Giáo sư Nguyễn Xuân Thu! Trong thời gian gần đây trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội đã bàn tán xôn xao đến cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và đưa ra nhiều ý kiến là Việt Nam cần phải hành động để đón đầu nó. Trước những thách thức mới ấy, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Việt Nam cần có những kiến thức và kỹ năng gì để có thể đáp ứng nhu cầu lao động trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư?

    Cuộc cách mạng công nghiệp là gì?

    Đa số các chính phủ tại các nước phát triển và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận rằng trong lịch sử loài người cho đến nay có một số cuộc Cách mạng Công nghiệp. Các cuộc Cách mạng Công nghiệp ấy ví như là các mặt cắt trong một hồ nước công nghiệp.

    Mặt cắt dưới đáy hồ là cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất, biểu hiện bởi hơi nước và năng lượng nước, được sử dụng trong công nghiệp (sản xuất hóa chất, thép) để thay thế lao động thủ công.

    Cuộc Cách mạng Công nghiệp này bắt đầu từ năm 1760 đến khoảng hết nửa đầu của thế kỷ 19 (khoảng 130 năm).

    Mặt cắt kế đến là Cách mạng Công nghiệp lần thứ hai. Đó là sự ra đời của điện và sử dụng điện năng để sản xuất hàng loạt.

    Sản xuất đầu máy chạy bằng hơi nước, hệ thống dây chuyền sản xuất công nghiệp, công nghệ dệt, xe lửa, khí đốt, dầu khí, hóa chất, phân bón, viễn thông, luyện kim, công nghệ tàu thủy, xe đạp, ôtô…).

    Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ hai này kéo dài từ nửa sau của thế kỷ 19 đến những năm đầu của thế kỷ 20.

    Mặt cắt tiếp theo là Cách mạng Công nghiệp lần thứ ba. Đó là sự ra đời của điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ Internet, những đại công ty, tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động.

    Riêng ba công ty Royal Dutch, Exxon Mobil, BP có tổng thu là 22,5 ngàn tỷ đô la Mỹ trên số 62 ngàn tỷ GDP trên toàn thế giới.

    Biểu tượng của Cách mạng Công nghiệp lần thứ ba còn là Thung lũng Silicon, là Detroit, Google, Facebook… Thời kỳ này kéo dài từ thập kỷ 1960 của thế kỷ 20 đến tận ngày nay.

    Mặt cắt trên cùng của "mặt hồ công nghiệp" là cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, còn gọi là 4.0, gồm tất cả thành tựu của cả ba cuộc Cách mạng Công nghiệp trước hòa quyện lẫn nhau, biểu hiện bằng:

    (1) Kỹ thuật số (trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối Internet, dữ liệu lớn), (2) công nghệ sinh học (trong nông nghiệp, thủy sản, chế biến thực phẩm, y dược, năng lượng tái tạo) và (3) vật lý (với rô-bốt thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, vật liệu mới, công nghệ nano).

    Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 này đang phát triển như vũ bão, phát sinh hàng triệu công việc mới ra đời.

    Ba cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 1, 2 , 3 đã được chính thức thừa nhận.

    Riêng cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mới được Giáo sư Klaus Schwab đưa ra vài năm gần đây tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Đức năm 2013 cho nên còn có nhiều người chưa đồng ý.

    Có người cho rằng cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 cũng chỉ là cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 2 mở rộng.

    Còn một số nhà nghiên cứu khác thì cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 chỉ là đỉnh cao của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 3 bởi vì cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 không có một công nghệ nào mới lạ.

    Dù có cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 hay không, chúng ta vẫn phải mặc định rằng với sự phát triển khoa học và công nghệ ngày nay, với sự ra đời hàng nhiều triệu công ty vừa và nhỏ, mô hình kinh tế thế giới thay đổi, hệ thống kinh doanh thay đổi, người lao động phải được chuẩn bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.


    Những khóa học trực tuyến mở - khuynh hướng học tập trên thế giới trong những năm gần đây

    Theo thống kê của Những Khóa học Trực tuyến Mở (MOOCs, viết tắt của Massive Open Online Courses)[1], trong năm 2011 có từ 16 đến 18 triệu học viên tham gia các lớp học đại trà trực tuyến mở.

    Chỉ gần 4 năm sau, năm 2015 thì số học viên này lên đến 35 triệu, ghi danh học trong 4200 khóa học trực tuyến, tại trên 500 cơ sở đào tạo, cung cấp từ các chứng chỉ đến bậc đại học, trên đại học; một số khóa học được các trường cấp chứng chỉ (phải trả tiền), một số học viên học không muốn lấy chứng chỉ.

    Mỗi loại chứng chỉ/văn bằng đều tương ứng với một bậc (level) và có mã số nghề nghiệp (code) khác nhau và khi đi làm thu nhập cũng khác nhau tùy theo ngành nghề và kinh nghiệm.

    Ba cơ sở có mở nhiều khóa học nhất hiện nay là Coursera với 3073 khóa học chiếm 35,6% trên toàn thị trường, edX có 1887 khóa học chiếm 18,1% và FutureLearn 718 khóa học với 5,68%.

    Các khóa học được dạy bằng 16 ngôn ngữ. Có 6690 khóa học được sử dụng bằng tiếng Anh, 671 khóa học tiếng Tây Ban Nha, 331 khóa học tiếng Pháp, 239 khóa học tiếng Trung Quốc, 67 khóa học tiếng Nhật Bản, 6 khóa học tiếng Hàn. Không có thứ tiếng nước nào thuộc vùng Đông Nam Á.

    Có 11 ngành học có nhiều học viên học nhất trong hệ thống của MOOCs như sau:

    Kinh doanh và quản lý (16,8%), Khoa học (11.3%), Khoa học xã hội (10,8%), Khoa học máy tính (9,74%), Nhân văn (9,41%), Giáo dục và Sư phạm (9,36%), Sức khỏe và Y tế (8,27%), Lập trình (7.44%), Nghệ thuật và Thiết kế (6,73%), Tiếng Anh (6,11%), Toán (4,09%).

    Ngoài các ngành trên, hệ thống cơ sở MOOCs có trên 100 chuyên ngành trong đó có rất nhiều khóa học mới phục vụ nhu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, hoàn toàn chưa có tại nhiều nước đang phát triển.

    Tại các nước phát triển có 4 bậc nghề nghiệp, bậc cao nhất là nhóm lãnh đạo, hoặc quản lý cao cấp, là những người nắm vững cả lý thuyết lẫn kinh nghiệm vượt trội, nếu trong khung trình độ của Úc, thuộc trình độ bậc 9 hoặc 10[2].

    Bậc thứ hai là chuyên viên có cả lý thuyết lẫn kỹ năng, có kinh nghiệm làm việc nhóm, năng động, sáng tạo, theo khung của Úc là bậc từ 6 đến 7.

    Bậc thứ ba là những kỹ thuật viên, những người làm thương mại, theo Úc là bậc từ 3 đến 6 và bậc dưới cùng là những người lao động phổ thông, tương đương với khung trình độ bậc 1 đến 2 hoặc 3.

    Qua ba cuộc khảo sát, 2006, 2009 và 2013 tại Úc và New Zealand, ba bậc trên (lãnh đạo, quản lý, chuyên gia) có số ngành nghề không thay đổi.

    Trong lúc đó số ngành nghề ở bậc thấp nhất (thuộc loại phổ thông hoặc bán chuyên môn) thì gia tăng rất đáng kể, từ 998 ngành nghề năm 2006 lến 1014 năm 2009 và có 1023 ngành nghề trong năm 2013[3].

    Sự gia tăng mạnh ngành nghề lao động phổ thông tại Úc và New Zealand ở mức ngành nghề phổ thông rất giống với sự phát triển ngành nghề trong buổi ban đầu của thời Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

    Theo khảo sát của các cơ sở giáo dục trong nhóm MOOCs, nhằm đáp ứng sự phát triển nhu cầu nghề nghiệp trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, số khóa học mới và số học viên sẽ tăng mạnh trong những năm tới.

    Theo dự đoán, phải mất ít nhất gần hai thập kỷ nữa mới thấy rõ diện mạo của cuộc Các mạng Công nghiệp 4.0.


    Những kỹ năng và kiến thức nào cần cho nền Công nghiệp Việt Nam?

    Hiện nay chưa có số liệu thống kê nào cho thấy Việt Nam đang ở vào giai đoạn nào trong các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2, 3 hay 4 và nếu có thì nội dung công nghiệp của Việt Nam chiếm bao nhiêu phần trăm.

    Một số người tự hào rằng Việt Nam đang có một số công ty/tập đoàn như Vietjet Air, Zalo, Zalo Shop, Zalo Pay, FPT, Viettel… đã vươn được ra nước ngoài.

    Với khoảng 400 ngàn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có được khoảng dưới 10 doanh nghiệp/tập đoàn vươn được ra nước ngoài tuy ít ỏi nhưng cũng là điều rất an ủi.

    Tuy nhiên, chúng ta cũng cần biết thêm là có bao nhiêu công ty ấy thuộc khu vực tư nhân, nếu là công ty cổ phần thì phía nhà nước chiếm bao nhiêu phần trăm?

    Và các nước có các công ty của Việt Nam vươn tới ấy nằm trong cuộc Cách mạng Công nghiệp nào?     Nội dung kinh doanh của các công ty ấy nằm trong cuộc cách mạng 3.0 hay 4.0?

    Khi có những đáp số ấy chúng ta mới biệt được vị trí công nghiệp của Việt Nam đang nằm ở đâu để từ đó mới biết được nhu cầu lao động đang cần ở loại nào lúc ấy mới có kế hoạch đào tạo đúng hướng.

    Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, chúng ta không thể phí phạm đào tạo những ngành nghề (kỹ năng và kiến thức) xã hội thật sự chưa cần đến.

    Tuy nhiên, hiện nay các công ty/tập đoàn có tiềm năng trở thành nhóm doanh nghiệp tạm gọi thuộc cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, khách quan mà nói, vẫn còn một số mặt thật sự cần điều chỉnh và cần được ưu tiên kiện toàn. Đó là văn hóa doanh nghiệp.

    Phòng vệ sinh trên máy bay luôn cần giữ sạch sẽ như trên các máy bay của các nước phát triển. Khuôn mặt của các tiếp viên cần có thêm nụ cười thân thiện và rạng rỡ. Công trường làm việc cần sự ngăn nắp và sạch sẻ sau giờ làm việc.

    Cách thức đối xử với bất cứ ai và ở bất cứ đâu luôn phải là tiêu chuẩn của một thành viên trong một doanh nghiệp của thời Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

    Không vứt rác bừa bãi, không khạc nhổ trên đường. Không chen lấn, không gây náo động nơi công cộng. Luôn có chuẩn mực với giờ giấc và với mọi người.

    Doanh nhân của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 không thể giống với doanh nhân của thời Cách mạng Công nghiệp lần thứ 1, 2.

    Không xem thường những bài học về văn hóa đơn giản. Những nét văn hóa ấy tuy có vẻ tầm thường, nhưng nếu được miệt mài nuôi dưỡng, sẽ có hiệu ứng rất cao.


    Hướng đào tạo Việt Nam đang cần?

    Muốn phục vụ đắc lực sự phát triển đất nước trong giai đoạn cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, trước hết phải củng cố thật vững chắc tất cả các mọi loại cơ sở giáo dục đào tạo hiện nay.

    Chúng bao gồm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trường đại học, bất luận công lập hay tư thục, vì tất cả mọi cơ sở giáo dục đào tạo đều có nhiệm vụ cốt lõi chung là đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

    Các cơ sở giáo dục đào tạo truyền thống của Việt Nam có những mặt cần hoàn thiện:

    Trách nhiệm của Bộ Giáo dục Đào tạo là cơ quan:

    (1) Xây dựng chính sách giáo dục đào tạo kể cả việc đưa ra sáng kiến nhằm khuyến khích các cơ sở Giáo dục và Đào tạo phát triển tối đa tiềm năng của mình;

    (2) Cung cấp ngân sách hỗ trợ các cơ sở Giáo dục và Đào tạo để họ thi hành các chính sách;

    (3) Buộc các cơ sở này phải giải trình đúng mức (trách nhiệm pháp lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo).

    Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tự hào về nhiệm vụ xây dựng chính sách phát triển giáo dục của mình. Vai trò của Bộ sẽ bị lu mờ nếu Bộ còn tiếp tục làm công việc quản lý của các trường. Quyền tự chủ của các cơ sở Giáo dục Đào tạo hiện nay còn quá yếu. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có văn bản thống nhất việc tự chủ các cơ sở Giáo dục Đào tạo. Bộ yêu cầu các trường tự chủ, tự quản nhưng trên thực tế thì vẫn nắm giữ. Phải có chính sách mạnh dạn khuyến khích các cơ sở Giáo dục Đào tạo tự chủ và phải ấn định khung thời gian hoàn tất. Không thể để kéo dài năm này qua năm khác.

    Công tác thăng thưởng, bổ nhiệm, miễn nghiệm, kỷ luật giáo viên, nhân viên là nhiệm vụ của mỗi trường. Chính phủ không nên phí ngân sách trong việc duy trì Ủy ban Học hàm học vị quốc gia.

    Kiểm định chất lượng rất cần thiết để có chất lượng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Kiểm định chất lượng theo luật là bắt buộc. Dựa trên luật để làm việc.

    Kiểm định chất lượng, theo luật, phải là một hoạt động giúp các cơ sở Giáo dục Đào tạo cung cấp các chương trình có chất lượng nhằm phục vụ cộng đồng, xã hội. Như thế kiểm định chất lượng không phải là thanh tra.

    Hiện nay có nhiều dư luận cho là sự hình thành các trung tâm kiểm định chất lượng đại học tại Việt Nam và các hoạt động kiểm định chất lượng chưa ổn, chưa tạo được một văn hóa của những người hợp tác giúp cho giáo dục Việt Nam thật sự phát triển.

    Mục tiêu và triết lý về Kiểm định chất lượng của Úc có thể là một trong những khuôn mẫu rất thích hợp cho giáo dục Việt Nam.[4]

    Bảng Tiêu chuẩn và xếp loại nghề nghiệp của Việt Nam được soạn thảo trước khi gia nhập Tổ chức Thương mai Thế giới (WTO) năm 2007 (WTO Standard and Classification of Occupations)[5] chưa được cập nhật đúng mức;

    Nhiều ngành nghề mới xuất hiện từ 10 năm nay còn bị bỏ sót, ví dụ như các ngành nghề liên quan đến hậu cần (logistics), bến bãi, chuỗi cung ứng vật tư, nhân viên xã hội…

    Xây dựng các ngành học, môn học mới có chất lượng mà xã hội đang cần.

    Hiện nay còn có nhiều chương trình học lỗi thời mặc dù cuối năm 2016 Thủ tướng Việt Nam đã ban hành hai Quyết định[6] rất quan trọng liên quan đến giáo dục đào tạo, gồm giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã Hội và giáo dục đào tạo thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

    Khung Cơ cấu hệ thống Giáo dục Quốc dân cho ta biết ở độ tuổi nào phải theo học bậc nào, còn Khung Trình độ Quốc gia Việt Nam quy định nguồn tri thức và khối lượng kỹ năng cần thiết cho mỗi môn học, mỗi chương trình học. Lấy một ví dụ cụ thể để làm rõ hơn về nội hàm của một chương trình đào tạo, một sinh viên Úc học chương trình cử nhân kinh doanh tại Úc.

    Ba năm học gồm 6 học kỳ, mỗi học kỳ học 4 môn học; tổng cộng có 24 môn. Mỗi môn học người sinh viên bắt buộc đọc tối thiểu 4 hoặc 5 quyển sách dày chuyên ngành, nhiều bài báo, thông tin liên quan trên Internet.

    Riêng số sách phải đọc trong 3 năm là 120 quyển sách trung bình 500 trang mỗi quyển, chưa kể đến làm 2 bài thi mỗi học kỳ, viết một bài tiểu luận trung bình khoảng 4 đến 6 trang A 4. Đó là khối lượng tri thức mà một sinh viên học ở trong trường học Úc phải đạt được.

    Còn các kỹ năng bao gồm viết, nói, thuyết trình, giao tiếp với bạn bè, nhọc nhóm, thảo luận nhóm, tích cực tham gia vào các tranh luận, tham gia các hoạt động cộng đồng, các chương trình từ thiện…

    Khi áp dụng nguồn tri thức lý thuyết thu thập được vào thực tế thì người sinh viên Úc cũng vượt xa nhiều sinh viên Việt Nam.

    Do đó, nếu hai người cùng nộp hồ sơ xin một việc làm nào đó thì chắc chắn người sinh viên Úc có nhiều cơ hội thành công hơn là học sinh Việt Nam.

    Khung trình độ quốc gia Việt Nam không có giá trị gì cả nếu trường học Việt Nam không tìm cách cho nội hàm lý thuyết và thực hành vào trong chương trình học tập của sinh viên. Vai trò của hệ thống giáo dục đào tạo truyền thống trong kỷ nguyên cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Không có các đại học của kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mà chỉ có những cơ sở Giáo dục Đào tạo phục vụ cho cuộc Cách mạng Công nghiệp.

    Các trường đại học truyền thống ví như một cột trụ giúp kích hoạt các cuộc Cách mạng Công nghiệp từ 1.0, 2.0, 3.0 và hiện nay là 4.0. Chính những trường đại học giúp cho các đối tác giáo dục đào tạo như MOOSc phát triển mọi mặt và liên tục. Vậy các trường đại học và đối tác đào tạo hợp tác với nhau trên những lãnh vực nào?

    Tổ chức các Khóa học Trực tuyến Mở (MOOCs), nhằm đáp ứng nhu cầu nhân sự khổng lồ cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, thường mở các lớp học ngắn (micro courses) hơn các chương trình trong các trường đại học truyền thống.

    Tâm lý quần chúng không mấy tin tưởng vào chất lượng đào tạo của MOOCs là điều bất cập nhất của các khóa học đại trà trực tuyến mở hiện nay. Trong trường hợp này, các trường đại học truyền thống có thể giúp kiểm định chất lượng cho các cơ sở MOOCs để MOOCs có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động trên thế giới.

    Về phạm vi hoạt động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, dựa trên cách mạng số, các lớp trực tuyến cho đến nay tuy chỉ mở ở khung trình độ cao nhất đến bậc Thạc sĩ và thường đào tạo trong những ngành nghề như kinh doanh, hệ thống quản lý, marketing, thiết kế, du lịch, khách sạn, công nghệ thông tin, môi trường và ít nghiêng về các công nghiệp chế tạo, sản xuất.

    Đối với những ngành học như chế tạo, sản xuất có thể trong tương lai gần, với sự phát triển của công nghệ 3D, hy vọng các trường MOOCs có thể cùng các trường đại học truyền thống mở thêm các ngành công nghiệp nặng về khoa học và công nghệ chế tạo.

    Sự hợp tác giữa các trường đại học truyền thống với các đối tác MOOCs sẽ làm thay đổi tận cùng gốc rễ xã hội và con người, thay đổi từ mục đích làm việc đến cách thức thực hiện và thay đổi chính cả con người.

Tài liệu tham khảo: 

[1]Bằng con số: MOOCs năm 2015(By the Numbers: MOOCs in 2015). Các lớp học đại trà trực tuyến mở MOOC. Đường link https://www.class-central.com/report/moocs-2015-stats/

[2]Úc là một trong những nước đã xây dựng Khung trình độ Quốc gia (Australian Qualifications Framework) từ năm 1994, hoàn chỉnh năm 2000 và từ đó phổ biến rộng rãi trên thế giới.Khung có 10 bậc trong đó 6 bậc liên quan đến giáo dục nghề nghiệp và 4 bậc thuộc bậc giáo dục đại học. Websize: https://www.aqf.edu.au

[3]Bảng Thống kê Úc Tiêu chí và Phân loại Nghề nghiệp Úc và New Zealand (Australia and New Zealand Standard and Classification of Occupations). Có 4 bậc. Số bậc từ 1, 2, và 3 không thay đổi số lượng ngành nghề trong 6 năm qua. Riêng trong loại ngành nghề bán chuyên môn và phổ thông (thấp nhất) từ năm 2006 có 998 ngành nghề nhỏ đến năm 2013 số ngành nghề này lên đến con số 1023.

[4]Tổ chức Tiêu chí và Chất lượng Giáo dục Đại học Úc (Tertiary Education Quality and Standards Agency).Nhiệm vụ là xây dựng các tiêu chí về chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. https://www.teqsa.gov.au/

[5]Bảng Tiêu chí và Phân loại Nghề nghiệp của Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labor Organisation)www.ilo.org/public/english/bbureau/stat/isco/

[6]Quyết định số 1981/QĐ-TTg về Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký và Quyết định số 1982/QĐ-TTg về Phê duyệt Khung trình độ Việt Nam do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký. Cả hai Quyết định ký cùng ngày 18/10/2016.

Nguyễn Xuân Thu

Nguồn: giaoduc.net.vn

Chuyên mục:

Chuyên mục:

Chuyên mục:

 

♻ Trung tâm Nghiên cứu- Chuyển giao Khoa học- Công nghệ Giáo dục đại học (CETSTR) thuộc Hiệp hội các tường Đại học Cao đẳng Việt Nam (AU&C Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học đổi mới giáo dục đại học nhằm mục đích hỗ trợ các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng cập nhật thông tin về xu thế GDDH mới nhất, giúp cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy nâng cao nhận thức về chuyển đổi số giáo dục, tăng cường năng lực sư phạm trong thiết kế, quản lý và triển khai chương trình đào tạo theo hướng liên ngành, đa ngành để tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp có khả năng tìm được việc làm trong thị trường lao động luôn thay đổi. 


♻ Hội thảo chủ đề “XU HƯỚNG MỚI TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC: Học tập & Giảng dạy liên ngành” có sự tham gia của diễn giả Ts. David Marsh, giám đốc Trung tâm MeD Phần Lan, là thành viên Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia London có nhiều kinh nghiệm bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đại học rộng rãi tại Phần Lan, các nước Châu Âu, Châu Phi (Ethiopia, Mozambique, Nambia, Nam Phi), Trung & Đông Á (Nhật Bản, Kazakhstan, Hàn Quốc), Iceland, Ấn Độ, Kosovo, Trung Đông (KSA, UAE, Qatar), Nga, Đông Nam Á (Brunei, Hồng Kông, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines, Việt Nam), Bắc Mỹ (Mexico, Mỹ), và Nam Mỹ (Argentina, Colombia, Peru).


♻  Hội thảo bố trí phiên dịch cao cấp lồng ghép bối cảnh Việt Nam và cung cấp nhiều báo cáo chất lượng.


♻ Thời gian: từ 14:00-16:00 ngày Thứ Hai, 22/11/2021.


♻ Địa điểm: trực tuyến


♻ Phí tham dự: có


♻ Toàn bộ Công văn chính thức đăng tải tại link:

https://drive.google.com/file/d/1wl9G5xI4Q3ODTVy0yyCdIeyZZKtcgg3t/view?usp=sharing



Chuyên mục: